
1. Dầu mè là gì?
Dầu mè là dầu thực vật được ép từ các hạt mè nhỏ – những cây mè có hoa với tên khoa học là Sesamum indicum nguồn gốc từ khu vực Đông Phi và Ấn Độ.
Dầu mè còn gọi là dầu vừng, có hương vị béo ngậy rất hấp dẫn, không chỉ làm gia tăng hương vị cho món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho việc làm đẹp và hỗ trợ có được sức khỏe tốt.
Dầu mè chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhất là chất béo no không bão hòa, axit béo omega 3, omega 6, hợp chất lignan (là một estrogen thực vật có đặc tính chống oxy hóa), vitamin E, vitamin PP và khoáng chất như sắt và canxi.
Trung bình trong 100ml dầu mè gồm các chất dinh dưỡng như:
- Năng lượng: 884kcal
- Chất béo: 100gr
- Vitamin E: 1.4mg
- Vitamin K: 13.6 microgram
2. Tác dụng của dầu mè đối với sức khỏe
Dầu mè có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là một số tác dụng nổi bật sau mà bạn không nên bỏ qua trước khi chọn dùng loại dầu hạt này:
Tốt cho da
Nhờ chất chống oxy hóa, dầu mè giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của vitamin E và những chất chống oxy hóa khác, nên giúp làn da đẹp từ bên trong. Hơn nữa, khi thoa dầu mè lên bề mặt da còn giúp da tránh bị nhiễm trùng và cải thiện được chứng đau khớp nhờ đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm của dầu mè.
Thậm chí, trong kết quả báo cáo từ các cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặc tính chống ung thư của dầu mè còn mang lại hiệu quả khi bôi ngoài da, vì có thể ức chế sự phát triển của tế bào hoặc khối u ác tính.
Vì thế, bạn có thể bôi dầu mè đều khắp trên da, đợi dầu ngấm khoảng 15 phút rồi mới xả nước ấm để tắm lại. Cách làm này sẽ đào thải bớt độc tố bên trong cơ thể.
Giảm huyết áp
Trong một số nghiên cứu, người ta còn thấy dầu mè cũng có tác dụng trong việc làm giảm huyết áp và nồng độ natri trong máu. Nó có thể hoạt động như một loại thuốc lợi tuổi để làm giảm hàm lượng natri trong cơ thể.
Do đó, bạn hãy thử sử dụng dầu mè thường xuyên để mang lại hiệu quả giảm huyết áp. Tuy nhiên, đối với người đang dùng thuốc điều trị huyết áp, thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu mè nhé!
Tốt cho sức khỏe tim
Dầu mè chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn (chiếm khoảng 82%) nên có lợi trong việc làm giảm các yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch. Đặc biệt, dầu mè cũng chứa hàm lượng axit béo omega-6 đáng kể, cần thiết cho chế độ ăn uống mỗi ngày cũng như giữ vai trò quan trọng để phòng ngừa bệnh tim.
Chẳng hạn, trong một nghiên cứu diễn ra trên 48 người trưởng thành, trong vòng 1 tháng, kết quả cho thấy: nhóm người tiêu thụ 4 muỗng canh dầu mè đều đặn mỗi ngày có xu hướng làm giảm cholesterol LDL xấu và chất béo trung tính nhiều hơn so với nhóm người sử dụng dầu ô liu.
Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Dầu mè còn hỗ trợ điều chỉnh hàm lượng đường trong máu, rất có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, một nghiên cứu diễn ra trên 46 người lớn (mắc bệnh tiểu đường loại 2) khi bổ sung dầu mè trong chế độ ăn uống suốt 90 ngày, kết quả làm giảm đáng kể nồng độ đường huyết và chỉ số hemoglobin A1c (HbA1c) so với nhóm người dùng giả dược.
Hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp
Viêm khớp là bệnh lý khá phổ biến đối với người lớn tuổi, gây nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Theo kết quả nghiên cứu kéo dài 28 ngày, những con chuột dường như giảm bớt các dấu hiệu của stress oxy hóa và các triệu chứng viêm khớp như đau khớp khi được cho uống dầu mè mỗi ngày với liều lượng 1ml trên mỗi kg cơ thể.
Giúp chữa lành các vết thương, vết bỏng
Nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, dầu mè có thể cải thiện vết thương và vết bỏng trên cơ thể con người. Nhất là khi dầu mè được ozon hóa đều có tác động tích cực đến mức độ phục hồi của cấu trúc collagen trong mô vết thương.
Bảo vệ trước nhiều tác hại của tia UV
Dầu mè cũng có thể bảo vệ cơ thể tránh khỏi sự tác động của tia UV từ mặt trời, nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa có trong dầu. Thực tế thử nghiệm cho thấy, dầu mè có khả năng chống lại 30% tia UV, trong khi dầu ô liu, dầu đậu phộng và dầu dừa chỉ dừng ở mức độ chống tia UV khoảng 20%.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên phụ thuộc quá vào dầu mè, mà vẫn sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da tốt nhất khi đi ngoài trời nắng nhé!
3. Cách sử dụng dầu mè
Dầu mè không còn quá xa lạ trong đời sống hằng ngày, dưới đây là một số cách sử dụng mà Điện máy XANH muốn gợi ý cho bạn trước khi quyết định chọn dầu hạt này:
- Nên chọn dùng dầu mè nguyên chất, không chứa các hóa chất và thành phần khác. Bạn hãy tham khảo kỹ trên bao bì sản phẩm và chỉ nên chọn mua sản phẩm dầu mè có nguồn gốc.
- Không cần thiết pha loãng dầu mè trước khi dùng.
- Có thể sử dụng dầu mè thoa trực tiếp lên da để dưỡng ẩm và mát-xa, hoặc thoa trực tiếp lên tóc khoảng 1 tiếng và rửa lại nước sạch để giúp tóc chắc khỏe, bóng mượt.
- Chỉ nên chấm dầu mè lên chỗ bị mụn và để qua đêm với công dụng chữa mụn trứng cá.
- Nên tẩy tế bào chết cho da trước khi sử dụng dầu mè, giúp các dưỡng chất trong dầu được thấm sâu và phát huy hiệu quả tốt hơn cho da.
- Nên dùng dầu mè cho món salad trộn và món xào để cảm nhận được vị béo tự nhiên.
- Có thể pha loãng dầu mè với nước lọc để uống 2 lần/ngày giúp giảm bớt trình trạng bị táo bón.
- Có thể dùng dầu mè để súc miệng nhờ đặc tính kháng khuẩn.
4. Lưu ý khi dùng dầu mè
Hầu như, dầu mè đều có lợi cho sức khỏe người sử dụng và hiếm khi xảy ra tác dụng phụ gây hại nào khác. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu mè nếu có biểu hiện như sau thì bạn nên ngưng ngay việc sử dụng:
- Gây tiêu chảy: Tuy dầu mè có tác dụng trong việc điều trị và hỗ trợ chống táo bón, nhưng nếu sử dụng lượng dầu mè quá nhiều thì dẫn đến tình trạng dễ bị tiêu chảy.
- Sốc phản vệ: Xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, buồn nôn, ngứa miệng, đau bụng, mặt đỏ bừng,… sau khi sử dụng dầu mè.
Như vậy, Điện máy XANH đã giải đáp băn khoăn cho bạn về việc uống dầu mè có tốt không? Các công dụng của dầu mè đối với sứ khỏe ra sao rồi đấy. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nguồn Healthline.